Home Tin tức Hội Thư viện Việt Nam: Kết nối thông tin, chia sẻ tri thức, hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0
Hội Thư viện Việt Nam: Kết nối thông tin, chia sẻ tri thức, hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0 PDF. In Email

Trong thời đại bùng nổ thông tin, thời đại của công nghệ số, Hội Thư viện Việt Nam đã lựa chọn một cách tiếp cận mới, nhằm tăng cường kết nối thông tin, chia sẻ tri thức, hướng tới phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ThS. Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

PV: Thưa ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, được biết từ cuối năm 2017 đến nay, Hội Thư viện Việt Nam đã có những bước chuyển mình khá quan trọng, có nhiều hoạt động khởi sắc, đã thực hiện được một số công việc góp phần vào việc phát triển thư viện và đẩy mạnh văn hóa đọc trong phạm vi cả nước. Xin ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

 2018-07-13-hoi-tv 01

Ths. Nguyễn Hữu Giới- Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

- ThS. Nguyễn Hữu Giới: Vâng, quả là như vậy. Hội Thư viện Việt Nam đã tiến hành Đại hội khóa III (nhiệm kỳ 2016-2021) vào ngày 25/11/2016 để tiến hành tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2011-2016), đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho hoạt động nhiệm kỳ III, trong bối cảnh hoạt động thư viện trong nước và trên thế giới có nhiều thay đổi quan trọng. Đặc biệt, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực thư viện, chúng ta đã và đang ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tác nghiệp thư viện; thì ở cả TW và hầu hết các tỉnh/ thành phố trong cả nước, xu hướng chuyển hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại đã và đang được quan tâm, chú trọng với sự trợ giúp mạnh mẽ của CNTT. Đáng lưu ý là các Thư viện và Trung tâm thông tin - thư viện trong cả nước cũng đang tích cực triển khai việc số hóa tài liệu và bổ sung nguồn tài liệu số (trong và ngoài nước), để làm giàu thêm nguồn vốn thông tin-tư liệu cho thư viện. Việc hoàn thiện Trang thông tin điện tử (trang web) của các thư viện và Trung tâm thông tin - thư viện trong cả nước để làm công cụ, phương tiện và cầu nối đưa thông tin và tri thức đến mọi người dân và các tổ chức, cơ quan…. một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bản thân Hội Thư viện Việt Nam cũng đã tiến hành xây dựng và duy trì Trang web của Hội từ năm 2011 đến nay.

Không chỉ vậy, từ cuối năm 2017, Hội Thư viện Việt Nam đã phối hợp với Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL và Thư viện Quốc gia Việt Nam có công văn chỉ đạo các Chi hội thư viện thành viên thực hiện các nội dung quan trọng, đó là: Triển khai thực hiện các văn bản pháp quy về công tác thư viện; Xây dựng kế hoạch tổ chức và phối hợp tổ chức Ngày sách Việt Nam (21/4) trên địa bàn; tổ chức Triển lãm báo Xuân hằng năm; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn nghiệp vụ..., đặc biệt là tăng cường và đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, thông qua các kho tư liệu của thư viện, nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện ngày càng nhiều hơn. Được biết qua hơn nửa năm hoạt động, các hoạt động nói trên đã được các thư viện trong cả nước triển khai thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hội Thư viện Việt Nam cũng gia tăng các hoạt động chuyên môn của Hội như: Phát triển hội viên, thành lập các Chi hội thư viện mới, chỉ đạo các Liên chi hội thư viện tổ chức hội nghị, hội thảo, đại hội nhiệm kỳ theo quy định của Điều lệ Hội thư viện Việt Nam.

 2018-07-13-hoi-tv 02

- PV: Ông vừa nói tới việc Hội Thư viện Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT thông qua Trang web của Hội, để kết nối thông tin, hướng tới phục vụ cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0. Xin ông nói rõ thêm về vấn đề này?

- Ths. Nguyễn Hữu Giới: Vâng, đúng là Trang web (trang thông tin điện tử) hiện nay ở Việt Nam là vấn đề không mới, vì nhiều tổ chức, cơ quan đoàn thể ở TW và địa phương đã có từ nhiều năm nay; đang phục vụ khá tốt cho nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, cũng như nhu cầu của tổ chức và nhân dân, phục vụ công cuộc CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên với chức năng-nhiệm vụ là một tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, Hội Thư viện Việt Nam chúng tôi đã xây dựng và duy trì trang web từ năm 2011 (khi đó đồng chí Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam là Chủ tịch Hội). Có thể nói từ năm 2011 đến nay, Trang web của Hội Thư viện Việt Nam đã hoạt động khá ổn định, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, kịp thời với chất lượng nội dung khá tốt về hoạt động của Hội và các chi hội cũng như của ngành Thư viện Việt Nam. Với suy nghĩ là cần hoàn thiện Trang web của Hội Thư viện Việt Nam; để trang web này thực sự trở thành một công cụ mạnh, hữu ích, phục vụ hiệu quả cho tổ chức Hội (vì hiện tại Hội Thư viện Việt Nam hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và tự quản, nên kinh phí rất hạn hẹp, chúng tôi không thể ra được tạp chí chuyên ngành thư viện của Hội); nên Ban Lãnh đạo Hội Thư viện Việt Nam chọn giải pháp tối ưu là sử dụng Trang web để tạo sự kết nối và liên thông giữa các cơ quan thông tin - thư viện trong toàn bộ hệ thống thư viện Việt Nam. Đây có thể coi như một cuộc cải cách, một bước đột phá quan trọng và cần thiết, phục vụ cho Cách mạng công nghiệp 4.0, cho sự phát triển của ngành thư viện Việt Nam.

 2018-07-13-hoi-tv 03

Trang web Hội Thư viện Việt Nam

 2018-07-13-hoi-tv 04

Từ trang web Hội Thư viện Việt Nam có thể kết nối sang các trang web khác như Trung tâm thông tin- thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội

2018-07-13-hoi-tv 05

Trang web của Hội thư Viện Việt Nam cũng kết nối tới trang web của các thư viện tỉnh

Bạn biết đó, Trang web của Hội Thư viện Việt Nam hiện nay ngoài Mục tin tức (cập nhật các tin tức, sự kiện thư viện), Mục hoạt động nghiệp vụ (phản ánh các hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn về thư viện) còn có Mục hình ảnh thư viện (giới thiệu các thư viện đẹp, hiện đại trên thế giới và Việt Nam). Đặc biệt, Mục liên kết hoạt động, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện việc kết nối các Trang web của thư viện các tỉnh thành phố trong cả nước và hơn 110 thư viện và trung tâm thông tin - thư viện các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam; để cán bộ thư viện và bạn đọc trong cả nước có thể vào các Trang web này để tìm kiếm thông tin, tri thức, kết nối thông tin phục vụ cho nhu cầu của cá nhân, tổ chức và đoàn thể,... Đây là công việc cần thiết và hữu ích; vì lần đầu tiên Hội Thư viện Việt Nam làm được điều này mà không cần kinh phí. Chúng tôi kết nối thông qua Trang web của Hội Thư viện Việt Nam, để đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin. Trên thực tế công việc này vừa qua nhiều thư viện trong cả nước thực hiện chưa được tốt, thậm chí còn nhiều bất cập bởi vì nhiều thư viện và trung tâm thông tin - thư viện đã xây dựng được nhiều cơ sở dữ liệu điện tử với hàng chục ngàn tên tài liệu, nhiều thư viện lớn đã số hóa được hàng chục ngàn, triệu trang in… song hầu hết các thư viện này mới chủ yếu phục vụ tại chỗ, trên địa bàn; mà chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin cho các thư viện khác trong hệ thống?.

Việc kết nối lần này của Hội Thư viện Việt Nam thông qua trang web của Hội với gần 200 trang web của các thư viện cả nước sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên đây, góp phần thúc đẩy sự phát triển thư viện, cung cấp thông tin, tri thức cho bạn đọc trong phạm vi cả nước, hướng tới phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0 theo chỉ đạo của Chính phủ (Điều thú vị là bạn đọc hoặc cán bộ thư viện có thể vào các Trang web của các thư viện trong hệ thống nay, để kết nối  và tìm kiếm dữ liệu, thông tin, mà không cần phải đến tận nơi. Chẳng hạn người ta muốn tìm tư liệu về Văn hóa Chăm-pa, có thể vào trang web của các thư viện tỉnh/thành phố: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng; Ninh Thuận…hoặc muốn nghiên cứu sâu về đồng bào Khơmer; có thể vào trang web của các thư viện tỉnh/thành phố: An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh…hay muốn tìm hiểu về người Thái, có thể vào trang web của các thư viện tỉnh/thành phố: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa v..v…hoặc có nhu cầu tìm hiểu về thư viện và văn hóa đọc, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong các trường đại học ở Việt Nam, chúng ta có thể kết nối đường link tìm địa chỉ các trang web của hơn 110 thư viện trường đại học và cao đẳng ở nước ta, để hình dung sự chuyển đổi khá nhanh chóng của các thư viện và trung tâm thông tin trong hệ thống thư viện này…). Để làm được công việc hữu ích này, Hội Thư viện Việt Nam đặc biệt cảm ơn Lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ tối đa về công nghệ và kĩ thuật cho trang web của Hội.

- PV: Vâng đó là một công việc rất ý nghĩa, một động thái tích cực của Hội Thư viện Việt Nam hiện tại. Thế còn trong tương lai, xin ông cho biết sắp tới, hoạt động của Hội Thư viện Việt Nam cần chú trọng những nội dung gì?

- ThS. Nguyễn Hữu Giới: Trong tương lai, hoạt động của Hội Thư viện Việt Nam sẽ dành sự ưu tiên cho việc đóng góp Dự thảo Luật Thư viện của Bộ VHTTDL (sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019) và các VBPQ về công tác thư viện. Đồng thời Hội Thư viện VN cũng sẽ làm tốt việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội về thư viện (theo chức năng của Hội). Bên cạnh đó, Hội Thư viện VN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL, tích cực triển khai các VBPQ về thư viện của Chính phủ; Bộ VHTTDL, của các Bộ, ngành TW….  vào cuộc sống; đem lại những hiệu quả thiết thực; nhằm đẩy mạnh công tác thư viện và thúc đẩy văn hóa đọc trong tình hình mới.

2018-07-13-hoi-tv 06 

Các độc giả đang tương tác với trang web

Sắp tới, bên cạnh việc tăng cường công tác tổ chức, kết nạp thêm các Chi hội thư viện thành viên mới và đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Hội ở cấp cơ sở và Chi hội thư viện cấp tỉnh/ thành phố; các Chi hội thư viện trường đại học và cao đẳng…; chúng tôi cũng sẽ tổ chức một Hội thảo khoa học: “Thư viện Việt Nam cần làm gì để hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 ?” (dự kiến tại TP. Đà Nẵng vào khoảng giữa tháng 8 năm 2018). Hy vọng hoạt động của Hội Thư viện Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển đi lên của ngành Thư viện Việt Nam và góp phần nâng cao văn hóa đọc cho toàn thể nhân dân trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước./.

Xin cám ơn ông!.

_____________

Nguồn Cinet.vn/ ngay 10.7.2018

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2022-kipos-ads-2

2021-dl-ads-1

2018-ted-ads-1

saomai-logo-final