Home Tin tức Phép cộng cơ học - Bài toán có cần thiết nên làm?
Phép cộng cơ học - Bài toán có cần thiết nên làm? PDF. In Email

Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời đã và đang là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân trong xã hội. Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh hoạt động này từ Trung ương đến địa phương thông qua các thiết chế văn hoá, trong đó thư viện với sứ mệnh lưu truyền tri thức và phục vụ cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện nay, trước thực trạng một số địa phương đang có chủ trương, kế hoạch sáp nhập cơ học thư viện tỉnh, huyện với các thiết chế văn hoá khác làm dấy lên sự lo ngại, trăn trở từ phía các thư viện về tính hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động liên quan. Tạp chí Thư viện Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

PV: Thưa Ông, thời gian qua, một số địa phương trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đã có chủ trương sáp nhập thư viện cấp tỉnh, huyện với các cơ sở văn hoá khác như: bảo tàng, ban quản lý di tích, trung tâm văn hoá... Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ở góc độ tổ chức quản lý?

 2018-09-04-pv- 01

Ông Hoàng Minh Thái -Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Ảnh: Lan Anh)

Ông Hoàng Minh Thái: Việc thực hiện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại, nhiều nơi đã không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết. Thể hiện ở những điểm sau:

Một là, trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đề cập đến việc “Kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có; việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép”. Tuy nhiên, một số địa phương lại áp dụng vào các thư viện tỉnh.

Hai là, trong quá trình sáp nhập, các địa phương lại sáp nhập thư viện với các đơn vị sự nghiệp khác có chức năng nhiệm vụ khác hẳn, thậm chí ngược trong cách thức tổ chức, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý. Ví dụ, có nơi sáp nhập thư viện với bảo tàng, trong khi cơ chế quản lý của bảo tàng là bảo tồn, giữ gìn là chính, còn nguyên lý quản lý của thư viện là mở, càng khai thác nhiều càng tốt. Hay việc sáp nhập thư viện vào trung tâm văn hoá chỉ có thể thực hiện ở thư viện cấp huyện, còn ở cấp thư viện tỉnh thì khác vì quy mô hoạt động và tổ chức bộ máy lớn hơn nhiều. Phép cộng cơ học này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các đơn vị trong việc tổ chức quản lý.

PV: Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tăng cường các loại hình đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân thì các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá cần trở thành các kênh thông tin hữu hiệu và đắc lực. Vậy theo ông, việc sáp nhập này có hợp lý và mang lại hiệu quả hay không khi các thiết chế văn hoá này không có cùng chức năng, nhiệm vụ, tính chất chuyên môn nghiệp vụ?

Ông Hoàng Minh Thái: Các đơn vị khác chức năng, nhiệm vụ, tính chất chuyên môn sẽ dẫn đến cách thức quản lý khác nhau. Vì vậy, việc hợp lý và mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào ý chí quản lý, nhận định, định hướng của người đứng đầu địa phương, mà ở đây là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện. Trên cơ sở các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin tại Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin, thì các thiết chế văn hoá thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá đều là những kênh hữu hiệu để đáp ứng và đảm bảo quyền này của công dân.

Thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hoá là các thiết chế văn hoá có chức năng, nhiệm vụ đặc thù, trong khi đó thư viện cấp tỉnh luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa sách, thông tin đến người dân và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Vì vậy, nếu sáp nhập thư viện tỉnh với các thiết chế văn hoá khác có thể sẽ dẫn đến việc các thư viện tỉnh không còn thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, không phát huy được hiệu quả phục vụ như sứ mệnh được giao. Trong trường hợp phải sáp nhập, Lãnh đạo địa phương cần phải nghiên cứu, xem xét, cân nhắc để lựa chọn những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đương nhau, tránh nguy cơ dẫn đến làm suy giảm, xuống cấp môi trường đọc và học tập suốt đời của người dân tại cơ sở.

 2018-09-04-pv- 02

Sách, văn hóa đọc và thư viện mãi trường tồn (ảnh Interrnet)

PV: Theo Ông, các địa phương cần phải hiểu như thế nào về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Chính phủ trong thời gian gần đây?

Ông Hoàng Minh Thái: Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6, các Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ, trong đó có thư viện cần phải được hiểu một cách mạch lạc, khoa học và tránh máy móc. Các địa phương phải có những đánh giá cụ thể về tình hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị nào đang hoạt động độc lập có hiệu quả, đơn vị nào chưa, cân nhắc kỹ lưỡng việc sáp nhập này có thể tạo đà phát triển hay sẽ là nguyên nhân chính gây nên sự thụt lùi. Sự nhận định này phụ thuộc hoàn toàn vào các địa phương.

Tinh thần Nghị quyết của Trung ương là sáp nhập nhưng không phải là sáp nhập bằng mọi giá. Một trong những đặc điểm đặc thù của các thiết chế văn hoá nói chung và thư viện nói riêng là phải ở những vị trí dễ tiếp cận đối với người dân, trung tâm dân cư, trường học... Nếu sự sáp nhập dẫn đến tình trạng di chuyển đến vị trí không thuận lợi, hẻo lánh thì chắc chắn, phần nào đó thư viện tỉnh sẽ mất đi lợi thế trong phục vụ bạn đọc và tổ chức hoạt động sẽ khó khăn hơn.

Do đó, các địa phương cần nghiên cứu các Nghị quyết của Trung ương một cách tỉ mỉ, chính xác để thực hiện cho đúng tinh thần của văn bản. Trước khi quyết định sáp nhập, Lãnh đạo địa phương cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để hoạt động của thiết chế thư viện thực sự phát huy được hiệu quả, qua đó đáp ứng nhu cầu của người dân về tiếp cận với thông tin, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng một cách thường xuyên.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông!

_____________

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 4. - Tr. 65-66.

(Sưu tầm ảnh trên Interrnet: Hữu Giới)

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2022-kipos-ads-2

2021-dl-ads-1

2018-ted-ads-1

saomai-logo-final