Home Tin tức Phát triển mạng lưới thư viện công cộng, tạo ra không gian mới
Phát triển mạng lưới thư viện công cộng, tạo ra không gian mới PDF. In Email

Không gian mới, thúc đẩy xã hội học tập

Hiện nay, Thái Bình là 1 trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách gia đỉnh, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học. theo thống kê sơ bộ, hiện tỉnh Thái Bình đã có hơn 4.000 tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình.... hoạt động rất hiệu quả, trong đó ở 2 huyện: Quỳnh Phụ, Thái Thụy có hơn 2.000 tủ (ở 100% số lớp học), với số lượng sách khoảng từ 150 - 300 cuốn/tủ (kinh phí khoảng 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/tủ). Toàn bộ số sách được vận động, quyên góp từ cha mẹ học sinh, các công ty sách và tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh… Do vậy, phong trào đọc sách của giáo viên, học sinh và bà con nhân dân khá hiệu quả. Nhiều trường đã phát triển thêm được “thư viện lớp học”, “tủ sách phụ huynh” ngay tại lớp để phục vụ nhu cầu đọc của các em học sinh.

Các mô hình khác ở tỉnh phục vụ nhu cầu đọc sách cũng lần lượt được ra đời như: Tủ sách Gia đình, tủ sách Dòng họ, tủ sách thôn làng, tủ sách Trung tâm học tập cộng đồng… tương thích với các mô hình mà Hội Khuyến học của tỉnh Thái Bình phát động, đó là: Gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập. Các loại hình thư viện này đã và đang tạo ra không gian mới, một mạng lưới thư viện rộng khắp, (chính quy và không chính quy), liên hoàn giúp cho việc học tập ở cộng đồng, mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người dân, đúng với tinh thần một “xã hội học tập” theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cũng thừa nhận, thời gian qua; dù đã có quan tâm và đầu tư, song thực trạng các phòng thư viện của nhà trường còn hạn chế về CSVC, trang thiết bị, số lượng đầu sách chưa nhiều (có nhiều sách cũ). Các hoạt động thu hút học sinh đến với thư viện nhà trường chưa thường xuyên, sinh động và chưa phong phú. Theo thống kê, hàng năm thu hút được trên 60% số học sinh đến với các loại hình thư viện, nhưng tỷ lệ học sinh đến với thư viện trong các nhà trường vẫn còn thấp; thời gian sử dụng sách, báo, tài liệu tại thư viện, tại trường còn ngắn (chủ yếu là giờ ra chơi); nhiều trường chưa đủ cán bộ chuyên trách thư viện, nên hạn chế về thời gian và chuyên môn nghiệp vụ; một số cán bộ thư viện chưa năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ...

 Phát triển mạng lưới thư viện công cộng

Nhiều năm trở lại đây, công tác phát triển mạng lưới thư viên công cộng và các loại hình thư viện khác trên địa bàn đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm. Hiện nay, ngoài 1 thư viện cấp tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, Thái Bình còn có 24 thư viện cấp xã, 23 phòng đọc sách cấp thôn, làng, 17 thư viện tư nhân, 13 tủ sách dòng họ, hơn 231 điểm Bưu điện-văn hoá xã; 283 tủ sách Pháp luật; 3 tủ sách Đồn biên phòng; gần 600 thư viện trường học  v.v... được duy trì và phát triển; trong đó có nhiều thư viện hoạt động tích cực và hiệu quả, như: Thư viện các xã: Thanh Tân, Quang Bình (huyện Kiến Xương); xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư); xã Hoa Nam (huyện Đông Hưng), xã Tiến Đức, xã Độc Lập (huyện Hưng Hà). Các thư viện, tủ sách đã cùng hệ thống thư viện công cộng đã tạo nên mạng lưới thư viện gắn kết, đáp ứng khá tốt nhu cầu của bạn đọc, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh.

Thời gian qua, Thư viện tỉnh Thái Bình đã chú trọng tới công tác luân chuyển sách báo về cơ sở, để phục vụ nhân dân ở địa phương với phương châm: “Một cuốn sách nhiều người được đọc”; Thư viện đã xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và sách báo xây dựng kho sách luân chuyển (với gần 40.000 bản, nhiều chủng loại sách phong phú) để  dành cho phục vụ lưu động trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm trở lại đây, Thư viện tỉnh Thái Bình đã chủ động bố trí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực và hình thành phòng Tin học để ứng dụng công nghệ thay thế các hoạt động thủ công, bước đầu là quản lý sách báo, rồi đến các khâu xử lý kỹ thuật, nghiệp vụ; sử dụng phần mềm tích hợp hiện đại, xâu chuỗi đầy đủ các khâu hoạt động trong thư viện, từ đó công tác cấp thẻ, quản lý bạn đọc, lưu thông sách báo, tìm kiếm thông tin... đã từng bước được hiện đại hóa. Đặc biệt, Thư viện tỉnh đã được UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện dự án đầu tư xây dựng Thư viện điện tử/thư viện số tỉnh Thái Bình (khoảng 7 tỷ đồng) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng CNTT mới được quan tâm ở Thư viện cấp tỉnh, chưa có thư viện cấp huyện nào được đầu tư trang thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng bài bản; để triển khai thực hiện ứng dụng CNTT tin (chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 có 40% thư viện cấp huyện được ứng dụng CNTT cho thư viện).

 Thống nhất thư viện cấp xã

Từ thực tiễn địa phương, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đều mong muốn sớm có Luật Thư viện để thúc đẩy và phát triển hoạt động thư viện. Theo đó, Luật Thư viện cần có cơ chế hỗ trợ các loại hình thư viện hoạt động; phân định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị; con người, kinh phí để duy trì và phát triển thư viện. Đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống thư viện công cộng; có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ làm công tác thư viện và chính sách hợp lý trong việc xã hội hóa các loại hình thư viện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hệ thống thư viện ngoài công lập phát triển đúng hướng. Trong thời gian 2 ngày, Đoàn công tác của Quốc hội đã đi thăm Thư viện tư nhân “Không gian đọc Hy vọng” ở TP. Thái Bình và “Tủ sách Dòng họ Đào Nguyên” ở huyện Quỳnh Phụ; để tận mắt thấy được thực tiễn các mô hình XHH thư viện-tủ sách ở cơ sở đang rất phát triển.

Các đại biểu của tỉnh Thái Bình cũng đã kiến nghị với Đoàn công tác của Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí của thư viện các cấp (tỉnh, huyện, xã) phù hợp với điều kiện phát triển xã hội hiện nay, để địa phương có căn cứ pháp lý trong việc tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thư viện trên địa bàn. Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT cho phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay; quan tâm đến chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên thư viện trong các nhà trường phổ thông. Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị nên thành lập mỗi xã một thư viện và đưa các mô hình tủ sách: Pháp luật, Trung tâm học tập cộng đồng, Điểm BĐ-VHX tích hợp về một đầu mối thư viện cấp xã (để tổ chức, quản lý, phục vụ nhân dân đọc sách báo được tập trung và hiệu quả hơn…)

Qua khảo sát thực tế tại tỉnh và một số huyện, xã, trường học, thư viện tư nhân trên địa bản tỉnh Thái Bình, Đoàn công tác của Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc hội ghi nhận & biểu dương Thư viện tỉnh; Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình đã vận dụng khá tốt các cơ chế, chính sách để tham mưu cho UBND tỉnh phát huy truyền thống vẻ vang (là “Lá cờ đầu trên miền Bắc XHCN những năm 60-70 thế kỷ XX” về xây dựng thư viện và phát triển văn hóa đọc) trong việc phát triển vốn tư liệu thư viện, chủ động tìm cách đưa được nhiều sách đến bạn đọc. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thư viện được địa phương thực hiện theo quy định, tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách và xây dựng quy hoạch thư viện ở cả 3 cấp (tỉnh-huyện-xã); đồng thời đẩy mạnh xây dựng thư viện-tủ sách tư nhân phát triển; đã hỗ trợ rất nhiều cho hệ thống thư viện công cộng. Tuy nhiên, Đoàn khảo sát cũng nhận thấy, trụ sở của Thư viện tỉnh đã bị xuống cấp, cần sớm được đầu tư để củng cố hạ tầng, bảo đảm an toàn cho người đọc cũng như tạo không gian đọc thân thiện, hấp dẫn. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và đổi mới, tổ chức các hoạt động phong phú; để thiết chế văn hóa này đi vào thực chất, hiệu quả, đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội của địa phương trong tương lai./.

Một số hình ảnh cùng sự kiện.

 2018-10-08-thai-binh 01

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Hoàng Thị Hoa phát biểu tại cuộc làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình

 2018-10-08-thai-binh 02

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến hoạt động thư viện, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên đầu tư cho thiết chế văn hóa này chưa tương xứng

 2018-10-08-thai-binh 03

Đoàn khảo sát Quốc hội thăm Phòng đọc báo, tạp chí của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thái Bình

 2018-10-08-thai-binh 04

Đoàn khảo sát Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc hội làm việc với huyện Kiến Xương và xã Thanh Tân (tỉnh Thái Bình)

2018-10-08-thai-binh 05 

Mô hình Thư viện xanh tại Trường Tiểu học Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình)

2018-10-08-thai-binh 06

Đoàn công tác của Ủy ban VHGDTNTNNĐ Quốc hội và Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL tặng sách và quà cho Anh Đỗ Hà Cừ - Chủ nhân “Không gian đọc Hy vọng” ở TP Thái Bình

____________

Tin và ảnh: Ng.Anh (Nguồn Báo Điện tử đại biểu nhân dân)

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final