Home Tin tức Trung tâm Thông tin-Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thư viện số tương lai”
Trung tâm Thông tin-Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thư viện số tương lai” PDF. In Email

Chiều ngày 20/6/2019 tại Nhà C1T – 144 Xuân Thủy – Cầu Giấy - Hà Nội, Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Thư viện số tương lai” với hai diễn giả chính là Giáo sư Gobinda Chowdhury và Giáo sư Sudatta Chowdhury – hai chuyên gia về thư viện số và hệ thống quản trị thông tin, dữ liệu. Giáo sư Gobinda Chowdhury hiện là trưởng khoa Khoa học Thông tin và Máy tính - Đại học Northumbria - Anh Quốc; đồng thời là chủ tịch Hội các trường đào tạo khoa học thông tin Châu Âu (European iSchools) và thành viên điều hành Hội các trường đào tạo khoa học thông tin toàn cầu (Global iSchools Organization).

2019-06-22-ht- 2

Giáo sư Sudatta Chowdhury

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Ông Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên hiệp Thư viện đại học khu vực phía Bắc; Ông Phạm Thế Khang Nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam và hơn 60 đại biểu là giám đốc thư viện, giảng viên, cán bộ thư viện của các trường đại học tại Hà Nội và các đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

2019-06-22-ht- 3

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Trong thời lượng 90 phút của buổi tọa đàm, Giáo sư Gobinda Chowdhury và giáo sư Sudatta Chowdhury đã chia sẻ nhiều nhận định, ý tưởng, kinh nghiệm quản lý dữ liệu và nội dung mở trong công tác nghiên cứu nói chung và thông tin, dữ liệu về di sản văn hóa nói riêng. Hai giáo sư đã đưa ra nhiều minh chứng trong thực tiễn quản lý hệ thống thông tin để khẳng định 02 luận điểm:

(1) Thông tin và dữ liệu mở có vai trò rất quan trọng, giúp thúc đẩy quá trình học tập, sáng tạo, tăng trưởngkinh tế và phát triển bền vững.

(2) Đóng vai trò thiết yếu hình thành nên những giá trị văn hóa – một trong bốn trụ cột của sự phát triển bền vững (Kinh tế, Chính trị, Sinh thái, Văn hóa), những di sản văn hóa - cả hữu hình và vô hình - kết nối con người với quá khứ và cung cấp những hiểu biết vô giá về bản sắc và sự tiến hóa của loài người. Với ý nghĩa đó, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Giáo sư Gobinda Chowdhury, khu vực Đông Nam Á có một di sản văn hóa phong phú có thể được sử dụng để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững khác nhau. Tuy nhiên, việc truy cập trực tuyến vào tất cả các tài nguyên số hóa tại các quốc gia trong khu vực vẫn còn là một vấn đề nan giải do các rào cản về kỹ thuật và công nghệ. Bên cạnh đó, người dùng tin chưa nhận thức được sự tồn tại của các tài nguyên di sản văn hóa và có kỹ năng tìm kiếm, truy xuất thông tin khác nhau nên việc phát triển và sử dụng một công cụ hữu hiệu nhằm khám phá, thiết lập siêu dữ liệu thông tin tiêu chuẩn hỗ trợ tối đa người dùng tin là yêu cầu cấp thiết cần được quan tâm giải quyết trước mắt.

Bên cạnh đó, thực tiễn của quá trình quản lý thông tin và dữ liệu mở cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần được các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà cung cấp nội dunggiải quyết triệt để như: Vấn đề bảo vệ bản quyền của các tác giả; Các thách thức công nghệ liên quan đến việc thiết kế, tạo lập, lưu trữ, bảo mật, truy xuất, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; Các năng lực kỹ thuật cần thiết để vận hành hệ thống thông tin; Các vấn đề pháp lý và khuôn khổ quản trị phù hợp; Chính sách áp dụng các mô hình kinh doanh thông tin và các kế hoạch duy trì thông tin, dữ liệu bền vững…

Từ đó, giáo sư Chowdhury đưa ra các giải pháp sau:

(1) Tạo ra mạng lưới kết nối các bên liên quan khác nhau để cùng tìm ra phương thức quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu mở phù hợp, bao gồm: nhà nghiên cứu, sinh viên, giáo viên, các chuyên gia thông tin, các nhà nghiên cứu chính sách, nhà cung cấp nội dung(trường đại học và tổ chức nghiên cứu, thư viện quốc gia, trung tâm lưu trữ quốc gia,...), các cơ quan tài trợ (cấp quốc gia, khu vực và quốc tế), các hiệp hội thông tin chuyên nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…

(2) Các nhà cung cấp nội dung và các bên liên quan khác nên hợp tác để xây dựng những nền tảng dịch vụ đa dạng, phù hợp dành cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ nhằm mục đích:Phát triển kỹ năng quản lý nội dung và dữ liệu số; Phát triển công nghệ, công cụ và các tiêu chuẩn để quản lý, truy xuất và sử dụng thông tin, dữ liệu; Phát triển chính sách và mô hình quản lý hệ thống thông tin bền vững; Phát triển các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực cụ thể như giáo dục, du lịch, y tế, công nghiệp…; Phát triển các chương trình đào tạo người dùng tin để thúc đẩy việc sử dụng thông tin di sản văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau.

(3) Các chính sách truy cập và sử dụng thông tin, dữ liệu mở phải được phát triển ở cấp quốc gia và được tổ chức sao cho người dùng tin có thể chọn cách thích hợp nhất để truy cập nội dung cần sử dụng.

(4) Việc số hóa nội dung nên được tiến hành với mục tiêu dài hạn là làm cho tất cả nội dung của thư viện quốc gia, tài liệu lưu trữ quốc gia và các tổ chức tương tự có thể truy cập trực tuyến.

Trong phần thảo luận của buổi tọa đàm, trước một số câu hỏi do các khách mời đưa ra, hai diễn giả đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách và chia sẻ các kinh nghiệm quản lý di sản văn hóa thực tế nhằm giúp các thư viện đại học có thêm các ý tưởng nhằm thu thập, quản lý, chia sẻ và sử dụng các thông tin, dữ liệu nghiên cứu nội bộ hiệu quả.

2019-06-22-ht- 5

ThS. Vũ Thị Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm tặng quà lưu niệm cho Giáo sư Gobinda Chowdhury

2019-06-22-ht- 6

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm với hai diễn giả

Thành công của buổi Toạ đàm đã mang đến nhiều ý nghĩa quan trọng: những kiến thức mới, hiện đại cho ngành thông tin thư viện của Việt Nam, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hiệu quả của Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN.

___________

Tin & ảnh: HS. Trung tâm TT-TV ĐHQG HN

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final