Triển lãm sách, báo, ảnh “Văn hóa Vĩnh Phúc xưa và nay” In

Hoà chung với không khí cả nước đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2015), và đặc biệt Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/02/1950 - 12/02/2015, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc long trọng tổ chức Triển lãm sách, báo, ảnh “Văn hóa Vĩnh Phúc xưa và nay”.

 alt 

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Triển lãm tập trung trưng bày, giới thiệu toàn bộ những ấn phẩm hiện có tại Thư viện về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, về Văn hóa Vĩnh Phúc xưa và nay. Hàng ngàn bản sách, báo tài liệu được trưng bày cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu một cái nhìn tổng thể, đầy đủ nhất về Vĩnh Phúc. Trong đó có các tư liệu quý để bạn đọc nghiên cứu về Đất và Người Vĩnh Phúc như: Địa chí tỉnh Vĩnh Phú tập I xuất bản năm 1974, thư mục Địa chí tổng quát trên 2.000 tư liệu. Sao chép và dịch thuật một số tư liệu: Địa chí tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Hoá ký lược,… thư mục “Thời kỳ Hùng Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam (500 tư liệu). Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (80 tư liệu). Văn hoá dân gian Vĩnh Phú (500 tư liệu). Các tài liệu bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán trong đó có rất nhiều tài liệu có giá trị như hương ước, thần tích thần sắc, châu bản triều Nguyễn (tiếng Hán), tài liệu tiếng Pháp gồm các công điện, văn bản của chính quyền Đông Dương có nội dung liên quan tới tỉnh Vĩnh Yên thời kỳ thuộc Pháp. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về xây dựng con người Việt Nam. “Xây dựng con người Việt Nam có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường thiên nhiên…”. Văn kiện của tỉnh Vĩnh Phúc về văn hóa trong thời kỳ mới “Phát triển mạnh văn hóa để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.

 alt

Công chúng xem triển lãm

Triển lãm còn đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện nét đẹp văn hóa người Vĩnh Phúc xưa và nay: Văn hóa trong ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử: Cách ăn nói tế nhị, lịch sự, nói đúng lúc, đúng chỗ, có ý thức về lời ăn tiếng nói của mình. Văn hóa trong trang phục: Ăn bắc, mặc kinh, luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị, ăn mặc đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Văn hóa trong ẩm thực: Có trình độ thẩm mỹ cao, sự tinh tế trong cách chế biến cũng như thưởng thức các món ăn: “Cỗ chín lợn mười trâu; Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”;  Su su Tam Đảo; Cá thính Lập Thạch; vv… Văn hóa trong một số phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên, giải trí, lễ hội: Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên; Chọi trâu ở Hải Lựu  - Sông Lô; Bắt chạch trong chum ở Tứ Trưng - Vĩnh Tường; Đả cầu cướp phết ở Bàn Giản - Lập Thạch; Lễ Hội Đền thính - Yên Lạc; Lễ hội đúc bụt ở Tam Dương; vv…

Ngoài ra, Triển lãm còn có quy tụ hàng trăm loại báo, tạp chí của Trung ương và địa phương phản ánh tất cả các mặt về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương trong năm vừa qua. Đây sẽ là một ngày hội không chỉ của báo chí, của Thư viện mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của nhân dân Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao đời sống văn hoá của người dân, bảo tồn, phát huy và xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng.

Triển lãm kéo dài từ 5/2 đến 3/3/2015.

 Tin và ảnh: P.V