Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ hỗ trợ đào tạo – nghiên cứu cho các trường đại học” In

 

Sáng ngày 20/6/2018, được sự nhất trí của Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Thư viện Tạ Quang Bửu phối với Liên Chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc (NALA) và Công ty IGROUP tổ chức Hội thảo khoa học:“Chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ hỗ trợ đào tạo – nghiên cứu cho các trường đại học” tại Tòa nhà Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).

Mục đích của Hội thảo khoa học lần này là tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhằm hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học trong nước, để từng bước nâng cao năng lực thư viện, đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam, đặc biệt tiết kiệm chi phí đầu tư cho việc phát triển nguồn lực thông tin trong thư viện.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL; ThS. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; TS. Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc; TS Nguyễn Trọng Phượng- Trưởng phòng Nghiên cứu Thư viện Quốc gia VN; Bà Ngô Tố Hoa – Đại diện IGROUP Việt Nam; PGS.Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; ThS Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu và gần 100 Giám đốc các Thư viện và Trung tâm TT-TV các trường đại học trong cả nước, cùng đại diện Phòng Khoa học Công nghệ của các trường trong Câu lạc bộ Đại học công nghệ và kỹ thuật.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Trần Văn Tớp thay mặt Lãnh đạo nhà trường đánh giá cao tầm quan trọng của thư viện trong các cơ sở đào tạo nói chung và việc tổ chức Hội thảo này nói riêng. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, ngày nay, với sự tác động của những yếu tố khách quan như: xu thế hội nhập, sự phát triển khoa học & công nghệ và tốc độ gia tăng nhanh chóng của thông tin, đã dẫn tới sự thay đổi lớn về nhu cầu thông tin của con người cả về chất lượng và số lượng. Vấn đề đặt ra cho các Thư viện Việt Nam là làm sao đáp ứng tối đa nhu cầu tin của người dùng một cách đầy đủ nhất, nhanh chóng nhất, trong khi giá cả tài liệu ngày càng tăng và ngân sách bổ sung tài liệu cho các thư viện còn rất hạn chế? Vì vậy, để đối mặt với những thách thức và yêu cầu xã hội, việc hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin, nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng tin và người đọc là một nhu cầu tất yếu-khách quan.

Năm 2014, Liên hiệp Thư viện các trường Khoa học và công nghệ ở Việt Nam chia sẻ nguồn tin điện tử ngành khoa học công nghệ và kỹ thuật (STE) được thành lập. Sau 4 năm triển khai, Liên hiệp đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần không nhỏ trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Tổng kết hoạt động của Liên hiệp năm 2017; định hướng phát triển giai đoạn 2018-2019, ThS. Hà Thị Huệ cho biết: Năm 2017, có 6 đơn vị mua chung CSDL sách điện tử Ebrary AC, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Giao thông vận tải là 2 đơn vị truy cập CSDL Ebrary AC với số lượt cao nhất; 12 trường đã dùng thử các CSDL điện tử này; đồng thời Liên hiệp đã tổ chức thành công Hội thảo thường niên STE Consortium…

Tại Hội thảo, Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu Hà Thị Huệ cũng đã phân tích các nguyên nhân, chỉ ra những thách thức mà các thư viện trong Liên hiệp Thư viện các trường Khoa học và công nghệ ở Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, như: Vấn đề kiểm định chất lượng, xếp hạng đại học, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.. Từ đó, nêu ra định hướng phát triển Liên hiệp trong thời gian tới, đó là:: Duy trì và phát triển mạng lưới thư viện trong Liên hiệp; Tăng cường giao lưu và chia sẻ CSDL điện tử ngoại sinh và nội sinh giữa các đơn vị thành viên; Phát triển số lượng thành viên mua chung nguồn tin điện tử để tăng lợi thế về giá; Tiến hành thử nghiệm và lựa chọn nguồn giáo trình điện tử ngoại văn; Tiếp tục tìm kiếm lựa chọn nguồn tin và công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học chất lượng cao; Chính sách đặt mua Ebrary AC 3 năm: Tiết kiệm 10% so với hợp đồng thường niên v.v….

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các tham luận và ý kiến trao đổi về các vấn đề: Dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu đào tạo và nâng cao xếp hạng cho các trường đại học; Chia sẻ kinh nghiệm gia nhập vào hệ thống Scopus cho tạp chí các trường đại học tại Việt Nam; Các giải pháp hỗ trợ chu trình nghiên cứu và đào tạo cho các trường đại học; Giải pháp chống đạo văn dành cho đào tạo và nghiên cứu ở các trường đại hoc v.v….

Một số hình ảnh cùng sự kiện.

 2018-06-22-tv-bak 02

PGS. Trần Văn Tớp –Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu Khai mạc Hội thảo

    2018-06-22-tv-bak 03   

Quang cảnh Hội thảo khoa học tại Thư viện Tạ Quang Bửu

2018-06-22-tv-bak 04 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

2018-06-22-tv-bak 05 

ThS Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu báo cáo & tham luận tại Hội thảo

2018-06-22-tv-bak 06 

Đại biểu Công ty IGROUP Việt Nam tham luận tại Hội thảo

2018-06-22-tv-bak 07 

Chuyên gia của Nhà xuất bản Emeral (Anh quốc) tham luận tại Hội thảo

2018-06-22-tv-bak 09 

Các đ/c Lãnh đạo ngành thư viện chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Hội thảo

__________

Tin và ảnh: Vũ Thơm - Hữu Giới