Viện Thông tin Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hiện trạng và tiềm năng khai thác/nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” In

Ngày 14/10/2020, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, sự phối hợp tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation), tại Hà Nội, Viện Thông tin KHXH đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Hiện trạng và tiềm năng khai thác/nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Viện Thông tin KHXH và trực tuyến với 9 đầu cầu tại các nước: Nhật Bản, Pháp và Malaysia.

Hội thảo có sự tham gia trực tiếp của ông Ando Toshiki-Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL; TS. Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; TS. Nguyễn Thu Hoài-Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ khu vực I; GS.TS. Andrew Hardy-nguyên Trưởng Văn phòng đại diện EFEO tại Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Việt-Nhật, Đại học KHXH và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) và một số trường đại học ở Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu từ các đầu cầu Nhật Bản (Đại học Waseda, Đại học Shinshu, Đại học Kyoto, Học viện Công nghệ Tohoku, Đại học Meiji, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản, Viện Tư liệu Nghiên cứu Quốc văn học Nhật Bản), từ đầu cầu Pháp (EFEO Paris), từ đầu cầu Malaysia (Thư viện Quốc gia Malaysia).

PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH và PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH đồng chủ trì Hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu hiện trạng và tiềm năng khai thác/nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ với hơn 11.000 đầu sách hiện được lưu trữ tại Thư viện KHXH, Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - một trong số những kho tư liệu quý hiếm vào loại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á về Đông phương học; mở ra các cơ hội hợp tác trong các hoạt động bảo quản, khai thác, nghiên cứu, chia sẻ tri thức được phản ánh trong nội dung các đầu sách của Kho tư liệu Nhật Bản cổ.

Tại Phiên 1 với chủ đề “Kho tư liệu Nhật Bản cổ: Giá trị và tiềm năng nghiên cứu”, Hội thảo đã nghe các bài tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Nhật Bản, Pháp và Việt Nam trình bày kết quả khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu bước đầu về Kho tư liệu Nhật Bản cổ; thảo luận các tiềm năng, triển vọng và hướng nghiên cứu trên cơ sở khai thác nội dung Kho tư liệu Nhật Bản cổ: (1) Kho sách Nhật Bản tại Thư viện KHXH: Hiện trạng và triển vọng nghiên cứu (PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh, Đại học Thăng Long); (2) Tính đa dạng của bộ sưu tập tiếng Nhật cổ tại Thư viện KHXH qua mối quan hệ với chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản trước và trong Thế chiến II (GS. Wada Atsuhico, Đại học Waseda, Nhật Bản); (3) Tư liệu lịch sử trong Kho tư liệu Nhật Bản cổ: Giá trị và khả năng sử dụng (PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực, Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh); (4) Khảo sát về những tài liệu do Kim Yung-kun thu thập trong kho sách tiếng Nhật cổ lưu trữ tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (TS. Kawachi Satoko, Học viện Công nghệ Tohoku, Nhật Bản); (5) Những kỳ vọng trong nghiên cứu về Kho tư liệu tiếng Nhật cổ EFEO (GS. Ogura Shinji, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản); (6) Bộ sưu tập Nhật Bản cổ từ thời Edo và Meiji tại Thư viện EFEO dưới góc độ sáng tạo và tương thích với các nghiên cứu di sản nghệ thuật (GS. Christophe Marquet, EFEO Paris, Pháp).

Tại Phiên 2 với chủ đề “Kho tư liệu Nhật Bản cổ: Bảo quản và khai thác giá trị tư liệu”, Hội thảo đã nghe các bài tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam trình bày thông tin tổng quan về hiện trạng bảo quản Kho tư liệu Nhật Bản cổ tại Thư viện KHXH; chia sẻ các vấn đề và kinh nghiệm bảo quản, quản lý, khai thác giá trị kho tư liệu cổ: (1) Bảo quản kho Nhật Bản cổ trong hệ thống bảo quản kho sách cổ tại Thư viện Viện Thông tin KHXH (bà Nguyễn Thu Phương, Viện Thông tin KHXH); (2) Thế nào là tài liệu quý hiếm?: Nghiên cứu về giá trị quý hiếm của tài liệu khu vực Đông Nam Á (PGS.TS. Ono Mikiko, Đại học Kyoto, Nhật Bản); (3) Về cấu thành của bộ sưu tập tài liệu tiếng Nhật của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp cũ lưu trữ tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Về phương châm sưu tập các tài liệu cổ (GS. Watanabe Kyoichi, Đại học Shinshu, Nhật Bản); (4) Nghiên cứu Nhật Bản qua bộ sưu tập tài liệu tiếng Nhật cổ lưu trữ tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Từ phân loại khung thập phân Nhật Bản (NDC) của sách bìa Âu (TS. Ayako Nakano, Đại học Học viện Meiji, Nhật Bản); (5) Số hóa lịch sử: Một cách tiếp cận về bộ sưu tập sách tiếng Nhật cổ tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (GS. Unno Keisuke, Viện Tư liệu Nghiên cứu Quốc văn học Nhật Bản); (6) Bộ sưu tập tiếng Jawi tại các tổ chức Nhật Bản (TS. Wan Ali Mamat, Thư viện Quốc gia Malaysia); (7) Giới thiệu một số công nghệ áp dụng trong công tác số hóa, lưu trữ, bảo quản và quảng bá kho tư liệu Nhật Bản cổ tại Thư viện KHXH (ông Dương Đình Hòa, Công ty IDT).

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận sôi nổi. Ông Ando Toshiki - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, Hội thảo là cơ hội quý báu để trao đổi tri thức học thuật, kinh nghiệm chuyên gia, và mở ra tầm nhìn dài hạn đối với việc bảo quản, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử của Kho tư liệu Nhật Bản cổ, để tiếp tục phát triển tốt đẹp mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học KHXH và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Kho tư liệu Nhật Bản cổ hiện lưu trữ tại Thư viện KHXH là nguồn tư liệu bao quát lịch sử phát triển của Nhật Bản, là kết quả của ý thức, nỗ lực truyền bá văn hóa của người Nhật, thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hóa lâu đời Việt Nam - Nhật Bản. GS.TS. Nguyễn Văn Kim đề nghị các học giả, các chuyên gia không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, đặc biệt của kho tư liệu, mà cần phải đánh giá thực tế những giá trị đó trên cơ sở hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác nghiên cứu đa ngành và liên ngành về nội dung các tư liệu. GS.TS. Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH lưu ý, Kho tư liệu Nhật Bản cổ không chỉ là một nguồn tư liệu quý và hiếm, mà còn sở hữu khối lượng sách và tạp chí đồ sộ nhất trong số những kho tư liệu về Nhật Bản được lưu trữ ngoài Nhật Bản; không chỉ có giá trị trong lĩnh vực thông tin - thư viện, mà còn sở hữu hệ giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị, ngoại giao cần nhận được sự quan tâm nghiên cứu ngày càng chuyên sâu hơn với quy mô lớn hơn của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu….

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH nhận định, các báo cáo tham luận và thảo luận tại 2 phiên của Hội thảo đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện ban đầu về quy mô và giá trị của Kho tư liệu Nhật Bản cổ hiện lưu trữ tại Thư viện KHXH do Viện Thông tin KHXH được giao quản lý; đem lại những đóng góp về chuyên môn hết sức có giá trị, gợi mở nhiều hướng đi mới cho Viện Thông tin KHXH trong việc bảo quản, khai thác, nghiên cứu, quảng bá Kho tư liệu Nhật Bản cổ trong thời gian tới; đồng thời cho thấy rõ hơn khả năng hợp tác trong khai thác, nghiên cứu, quảng bá Kho tư liệu Nhật Bản cổ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các hoạt động hợp tác nói chung và đối với Kho tư liệu Nhật Bản cổ nói riêng, Viện Thông tin KHXH phải nỗ lực vượt qua các thách thức, đảm bảo các điều kiện thực hiện như: hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục số nâng cao, số hóa tài liệu và xây dựng CSDL số (toàn văn); tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm quản lý; xây dựng quy chế và cơ sở pháp lý để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể tiếp cận, khai thác thuận lợi tư liệu từ xa. Tất cả những thách thức này đều thuộc phạm vi trách nhiệm của Viện Thông tin KHXH phải giải quyết, trong đó công việc khó khăn nhất, tốn nhiều công sức, thời gian và kinh phí nhất là số hóa tài liệu và xây dựng CSDL số. Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn do vừa tập trung chống dịch Covid-19, việc khai thác thêm sự ủng hộ của các quỹ quốc tế là rất quan trọng. Đồng thời, Viện trưởng Vũ Hùng Cường khẳng định việc cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn sâu trong nước và quốc tế trong từng lĩnh vực liên quan của tư liệu, thông thạo ngoại ngữ, có đủ khả năng đánh giá, khai thác, nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khai thác, nghiên cứu, quảng bá Kho tư liệu Nhật Bản cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH./.

Một số hình ảnh cùng sự kiện.

2020-10-16-khxh-02

2020-10-16-khxh-03

PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viên Thông tin Khoa học xã hội phát biểu tại Hội thảo

2020-10-16-khxh-04

Quang cảnh Hội Thảo khoa học

2020-10-16-khxh-05

Ông Ando Toshiki-Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội Thảo

2020-10-16-khxh-06

PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viên Thông tin KHXH chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội thảo

2020-10-16-khxh-07

Các địa biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

____________

Tin và ảnh: VTT- Viện Thông tin Khoa học xã hội.