Home HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ Các hoạt động tiêu biểu của Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2017
Các hoạt động tiêu biểu của Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2017 PDF. In Email

 

Tháng 1: Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia và xuất bản sách chuyên khảo “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai”.

Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC) 14/02/1997 – 14/02/2017. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của  hơn 120 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện các cơ quan thông tin, thư viện trong nước. Lần đầu VNU-LIC đã nghiên cứu, xuất bản sách chuyên khảo “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai” với độ dày 629 trang. Khẳng định năng lực nghiên cứu về chuyên môn, đặc biệt các lĩnh vực: công nghệ Thư viện số; tài nguyên Thư viện số; dịch vụ Thư viện số; chính sách-quy trình quản lý Thư viện số...

2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 01

Tháng 2: Kỷ niệm 20 năm thành lập VNU-LIC (1997 - 2017) và đón nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với chức năng lưu giữ, quản lý thông tin, tư liệu và thư viện phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), sau chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo chất lượng cao cũng như sự phát triển chung của ĐHQGHN. Đồng thời, cũng đã khẳng định được vị thế của mình không những trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Như lời phát biểu chỉ đạo của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn “Thư viện là biểu tượng của tri thức”.

2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 02

Tháng 3: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nguồn lực thông tin nhằm tăng cường chỉ số hiện diện. Kết quả chỉ số Majestic từ 11 lên 130 và chỉ số Ahrefs từ 30 lên 300, phục vụ công tác xếp hạng thư viện đại học.

Để tăng cường sự hiện diện của trang Thư viện số, Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp marketing thông tin, trong đó biện pháp ứng dụng công nghệ được ưu tiên và áp dụng triệt để. Trung tâm đã triển khai: Gửi email thông báo đến tất cả các thư viện đại học trong nước, khu vực và quốc tế, các tổ chức, hội lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài; Đề nghị các thư viện đại học trong nước đặt liên kết đến Thư viện số; Cán bộ thư viện sử dụng các trang cá nhân như Blogspot, Wordpress, Tumblr, Fanpage, Facebook, Zalo, Twitter, Google+ hàng ngày để quảng bá đến bạn đọc nguồn tài liệu trong Thư viện số. Kết quả các chỉ số hiện diện Thư viện số đo được trong Ahrefs và Majestic đều tăng trên 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này không những giúp cho hiệu quả phục vụ của thư viện tăng lên mà còn ảnh hưởng, tác động tích cực đến các trang web xếp hạng thư viện và đại học của ĐHQGHN trong bảng xếp hạng webometrics.

Tháng 4: 89.3% bạn đọc ĐHQGHN hài lòng về chất lượng phục vụ trong đợt khảo sát lấy ý kiến phản hồi về chất lượng hoạt động hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đây là kết quả đợt khảo sát năm thứ 5 được VNU-LIC tổ chức vào tháng 3&4 hằng năm từ năm 2012 đến nay  với hình thức khảo sát trên mẫu đánh giá tại website VNU-LIC nhằm thu thập ý kiến phản hồi của người dùng, qua đó thiết lập và triển khai các biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ.

Tháng 5: Tháng cao điểm phục vụ sinh viên ôn thi Học kỳ 2 tăng 34% lượt đến thư viện so với cùng kỳ năm 2016.

Vào các thời điểm ôn thi, nhu cầu sử dụng thư viện của sinh viên rất cao, thường dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu chỗ ngồi. Đặc biệt, số lượt đến thư viện tháng 5 năm 2017 tăng vọt như trên là do khu nhà C1T Cầu Giấy đã hoàn thành quá trình cải tạo với không gian lí tưởng để học tập nghiên cứu và do thời gian phục vụ được kéo dài hơn trước, thông trưa từ 7h30 – 19h30.

2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 03

Tháng 6: Khai trương Không gian Văn hóa - Ngôn ngữ tại phòng dịch vụ thông tin (DVTT) Ngoại ngữ nhằm đa dạng hóa phương thức phục vụ tiên tiến.

Đây là hoạt động ghi dấu sự nỗ lực lớn của VNU-LIC nhằm mang lại cho cán bộ, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ nói riêng và ĐHQGHN nói chung một dịch vụ thư viện mới tiện ích, văn minh với không gian mở  và hệ thống smart tivi hiện đại. Ngay sau khai trương, không gian này đã thu hút được rất đông đảo người dùng và nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ.

  2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 04

Tháng 7: Nghiên cứu nhu cầu tin và giải pháp đáp ứng nhu cầu thông tin khoa học của cán bộ, giảng viên và người học tại ĐHQGHN.

Triển khai đề tài khoa học cấp ĐHQGHN “Nghiên cứu nhu cầu và giải pháp đáp ứng nhu cầu thông tin khoa học của cán bộ, giảng viên và người học tại ĐHQGHN” là công trình khoa học không những mang lại ý nghĩa khoa học về phương diện nghiên cứu nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc trong môi trường giáo dục đại học Việt Nam nói chung và VNU-LIC nói riêng trong khi nguồn lực thông tin khoa học rất đa dạng, phong phú và dễ khai thác như hiện nay mà còn giúp cho Trung tâm nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, tài nguyên thông tin, nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ĐHQGHN, đặc biệt hơn là đại học định hướng nghiên cứu trong giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Tháng 8: Chính thức đưa vào phục vụ bạn đọc toàn bộ hệ thống phòng đọc/mượn tại khu nhà M số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân.

Tòa nhà 7 tầng được trường ĐHKHXH&NV xây dựng và bàn giao cho VNU-LIC (6 tầng) để hoán đổi khu nhà E nằm trong khuôn viên nhà trường trước đây. Khu nhà đã được lắp đặt nhiều thiết bị nội thất và trang bị máy móc hiện đại như: cổng từ, hệ thống trả sách 24/7, Smart tivi và thiết lập các phòng học nhóm tiện ích đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

Tháng 9: Tổ chức thành công Đại hội Công đoàn VNU-LIC lần thứ VII (Nhiệm kỳ 2017 – 2022) và Đại hội các chi bộ trực thuộc Đảng bộ VNU-LIC lần thứ IV (Nhiệm kỳ  2017 – 2020).

Đại hội đã diễn ra đúng thời hạn, quy trình và bầu được Ban chấp hành đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để điều hành hoạt động của các tổ chức.

 2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 05

Tháng 10: Sáng kiến xây dựng hệ thống Thư viện số đại học dùng chung tại Việt Nam: Kết nối tri thức thúc đẩy sáng tạo.

Xuất phát từ Sáng kiến và kết quả ban đầu về “Xây dựng và phát triển thư viện số đại học dùng chung” của VNU-LIC và Trung tâm Thông tin – Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, lãnh đạo VNU-LIC đã mong muốn mở rộng hệ thống ra tất cả các thư viện đại học Việt Nam. Hội thảo khoa học về “Xây dựng học liệu nội sinh dùng chung trong các thư viện đại học Việt Nam” do Liên chi hội thư viện đại học khu vực phía Bắc, VNU-LIC và trường Đại học Quang Trung (tỉnh Bình Định) phối hợp tổ chức đã diễn ra vào sáng 30/10/2017, tại Bình Định. Đây là một hoạt động chuyên môn có tính lịch sử đối với hệ thống các thư viện đại học Việt Nam trong xu hướng hội nhập, kết nối và chia sẻ tri thức để thúc đẩy sáng tạo. Các kết luận tại Hội thảo khoa học này đã chỉ ra ý nghĩa, lợi ích vô cùng to lớn của ý tưởng triển khai dự án và vai trò “đứng đầu” đặc biệt quan trọng của VNU-LIC trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam.

2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 06

Tháng 11: Triển khai phần mềm cho mượn tài liệu điện tử, sản phẩm thông tin hiện đại, tiện ích phục vụ người dùng tin có thể mượn tài liệu số trên mọi thiết bị điện tử.

Trong khuôn khổ dự án Thư viện số 2.0, Trung tâm được tiếp nhận hạng mục phần mềm cho mượn tài liệu số với mục tiêu phát huy hiệu quả phục vụ nguồn tài nguyên số nội sinh to lớn hiện nay (trên 50.000 đối tượng số) mà Trung tâm đang sở hữu. Phần mềm có tên là Bookworm, giải pháp phần mềm quản lý lưu thông tài liệu điện tử hoàn chỉnh, cung cấp công cụ tin học hóa toàn bộ chu trình từ biên tập, đóng gói, mã hóa tư liệu điện tử (ebooks) tới quản trị và vận hành kho tài liệu điện tử trực tuyến và các ứng dụng (apps) đọc sách trên các hệ điều hành phổ dụng cho cả PC và thiết bị di động (Windows, Android, iOS). Bookworm mang lại sự thuận tiện cho bạn đọc khi họ có thể mượn sách điện tử từ thư viện mọi lúc mọi nơi và đọc trên thiết bị cá nhân của mình  trong khi giúp thư viện & nhà xuất bản hoàn toàn kiểm soát và bảo vệ được bản quyền số của các sách điện tử. Bookworm tích hợp cơ chế bảo vệ và quản lý bản quyền số (DRM) để giúp ngăn chặn việc nhân bản không được phép nội dung các file sách điện tử. Tài liệu số được mã hóa tại thời điểm tải về theo thông số thiết bị của người dùng, chỉ giải mã và đọc được duy nhất trên thiết bị đó.

2018-03-12-hd-tt-tv-dhqg 07

Tháng 12: Xuất bản “Cẩm nang Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội 2017”

Đây cũng là cuốn“Cẩm nang Thông tin Nghiên cứu - Gối đầu giường”để bạn đọc ĐHQGHN có công cụ chỉ dẫn thông tin và các nhà lãnh đạo, quản lý ĐHQGHN có thêm cứ liệu khoa học để quản trị ĐHQGHN, quản trị các đơn vị nghiên cứu –đào tạo hiệu quả, hội nhập nhanh với cộng đồng khoa học thế giới đương đại, tăng xếp hạng ĐHQGHN trên bản đồ xếp hạng thế giới 2018.

Bước đầu tổ chức kho sách cổ Hán Nôm để đưa vào phục vụ.

Một điểm sáng trong chuỗi hoạt động của Trung tâm năm nay là bước đầu triển khai bổ sung, xây dựng và phục vụ bạn đọc sử dụng kho tài liệu cổ Hán - Nôm, thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo ngành Hán Nôm, đảm bảo bao phủ đa ngành - đa diện nghiên cứu của ĐHQGHN./.

(Nguồn vnu.edu.vn,  ngày 01/03/2018)

 

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final