Home HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ Thư viện tư nhân Phạm Thể Cường (Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm với nhà văn-đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu
Thư viện tư nhân Phạm Thể Cường (Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm với nhà văn-đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu PDF. In Email

Sáng ngày 04-3-2018 tại Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Nguyễn Văn Tàu-Trái tim người lính”. Đã có 30 thành viên CLBNYS cùng các vị khách mời về dự Tọa đàm và giao lưu thân mật với đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) về các tác phẩm văn học của ông nhân dịp ông bước vào tuổi Đại thọ 90.

Mở đầu, chủ nhiệm CLBNYS Phạm Thế Cường đã giới thiệu sơ lược về tiểu sử đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình nghèo tại xã Long Phước, Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), còn có tên khác là Trần Văn Quang tức Tư Cang. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Tàu học rất giỏi nên đã trúng tuyển vào trường Trung học Pétrus Ký danh tiếng ở Sài Gòn. Ông tham gia cách mạng và kháng chiến chống Pháp từ năm 1945, trở thành chiến sĩ quân báo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tổ trưởng quân báo liên huyện Nhà Bè-Cần Giuộc-Cần Đước cho đến 1954. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc; được đào tạo làm sĩ quan tình báo chuyên nghiệp, giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp và đặc biệt có biệt tài bắn súng hai tay "bách phát bách trúng". Cuối năm 1961, ông được Trung ương Đảng cử về miền Nam hoạt động chống chính quyền Sài Gòn do Mỹ bảo trợ. Cụm Tình báo H.63 do Tư Cang tổ chức, xây dựng và chỉ đạo từ năm 1962,với những điệp viên nổi danh như: Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Yên Thảo, Hoàng Nam Sơn … đã tồn tại và hoạt động an toàn suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cho đến tháng 4/1975, thu thập được rất nhiều tin tức có giá trị & quan trọng phục vụ cho sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Đảng. Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, đại tá Nguyễn Văn Tàu là thủ trưởng của 4 Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang, đó là: Cụm Tình báo H.63, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 367, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 và Phòng Tình báo Miền J.22; rồi chính ông cũng được phong Anh hùng LLVT (2006) với rất nhiều huân chương cao quý.

Sau ngày chiến tranh kết thúc (tháng 4-1975), thực hiện lời hứa với anh em đồng đội của mình, Nguyễn Văn Tàu bắt tay vào viết cuốn “Sài Gòn Mậu Thân 1968”, hoàn thành năm 1976 nhưng mãi đến 1988 mới được NXB Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh xuất bản dưới bút danh “Nguyễn Văn Tào”. Tiếp theo đó, một loạt tác phẩm hồi ức đứng tên nhà tình báo Nguyễn Văn Tàu, cũng do NXB trên xuất bản, đã ra đời: “Nước mắt ngày gặp mặt” (1989), “Trái tim người lính (tập 1 và 2” (1989, 1991), “Bến Dược vùng đất lửa” (1994), “Hoàng hôn trên chiến trường” (1994). Sau một thời gian tạm ngưng sáng tác, từ 2012 nhà văn-đại tá lại kể chuyện hoạt động Cụm tình báo H.63 qua 3 tác phẩm được NXB Văn hóa-Văn nghệ Tp.HCM xuất bản:“Tình báo kể chuyện” (2012),“Bước ra từ thầm lặng”-viết chung với Mã Thiện Đồng (2014),“Những điệp viên may mắn” (2017). Toàn bộ 8 tác phẩm của ông đã xác định vị trí của Nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Văn Tàu trên văn đàn Việt Nam hiện đại.

Tiếp lời Chủ nhiệm CLBNYS Phạm Thế Cường, Phó Giáo sư Đoàn Trọng Huy đã chia sẻ sâu sắc về cuộc đời và những tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Tàu. Là nhà tình báo chiến lược, Tư Cang đã có đủ tài năng để ứng phó, làm nhiệm vụ khi phải tiếp cận với hiểm nguy, sống chết trong lòng địch. Bên cạnh tài diễn xuất, nhập vai trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là đầu óc minh mẫn cùng trí tuệ sáng suốt để hoạch định chiến lược và chiến thuật cho hoạt động của đơn vị và cá nhân mình. Những tố chất này đã được Tư Cang thể hiện trong các cuốn “Tình báo kể chuyện”, “Bước ra từ thầm lặng”... Cũng như những người lính xông pha ngoài mặt trận, những chiến sĩ tình báo hoạt động trong tâm thế lúc nào cũng phải chấp nhận hy sinh. “Đó chính là sống thật, đàng hoàng nhưng thực ra lại là sống ảo; chiến công lớn lao, vô giá mà lại không có hình dạng”. Nhà tình báo Tư Cang đã từng thoát hiểm trong gang tấc và sống trong số “Những điệp viên may mắn”….Tình yêu gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng bào, tình yêu lứa đôi được thể hiện rất rõ nét qua những câu chuyện thực được nhớ và ghi lại dưới dạng hồi ký: Trái tim người lính -Tình báo kể chuyện - Ông Ngoại đã về - Nước mắt ngày gặp mặt…Theo GS Đoàn Trọng Huy, nhà tình báo Nguyễn Văn Tàu đã đóng góp một sự nghiệp rất đáng nể trọng về cả hai phương diện: nghiệp võ và nghề văn. Đối với các thành viên CLB NYS, nhà văn-đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu là chỗ thân quen, vì mọi người đã được giao lưu với ông trong kỳ sinh hoạt tháng 4/2015 với chủ đề “Văn học viết về các nhà tình báo”. Bởi thế, tại cuộc Tọa đàm này, các thành viên CLB NYS rất vui mừng khi được gặp lại ông trong dáng vẻ mạnh khỏe, minh mẫn và vui tươi với những câu chuyện, lời lẽ trao đổi hết sức chân thành và nồng nhiệt.

Nhà giáo Phan Văn Bảo nhắc lại lần đầu tiên được giao tiếp với đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu tại Lễ giỗ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ngày 6/3/2015. Hôm ấy, do cảm phục nhà tình báo xuất chúng, ông đã ký họa chân dung đại tá Nguyễn Văn Tàu, được đại tá khen và ký lưu niệm vào bức ký họa mà mình được tặng.

 Sau khi ông Hùng-con rể Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ thay mặt gia đình cảm ơn đại tá Nguyễn Văn Tàu mỗi năm đã về dự đám giỗ cha mình, nhà cựu tình báo Tư Cang đã nhắc lại kỷ niệm năm xưa khi tham gia học lớp Trung đội trưởng của quân đội ở chiến khu D (từ tháng 2 đến tháng 7-1950), ông đã được gặp và biết những chiến công hiển hách của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tiếp đó, ông đọc lại những câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ để bày tỏ lòng cảm phục của mình đối với thi tướng. Trả lời những câu hỏi của Bác sĩ Đinh Tiết Long và nhà giáo Phan Văn Bảo về tổn thất của quân ta trong trận Mậu Thân 1968, về vai trò phụ nữ, đặc biệt là các nữ tình báo trong sự kiện đó, đại tá Nguyễn Văn Tàu đã bày tỏ cảm xúc của ông khi được trở lại CLB NYS để chia sẻ thêm những ký ức, hoài niệm về cuộc đời binh nghiệp của mình gắn với nghề tình báo và biệt động trên chiến trường Nam bộ. Theo ông, được sống đến giờ phút này là một điều may mắn. Cụm Tình báo H.63 có 45 người thì 27 người đã hy sinh, 13 người bị thương.  Đó là chuyện những lần thoát hiểm khỏi tay giặc khi chiến đấu trong lòng thành phố, những lần thoát hiểm nhờ đồng đội. Khi hoạt động tình báo, có lúc, ông từng phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, tính mạng tưởng chừng “ngàn cân treo sợi tóc”. Ví dụ, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tối mùng 2 Tết, các chiến sĩ biệt động thành tấn công vào Dinh Độc lập, nhưng bị địch đẩy lui. Anh em phải trốn vào phòng ngự trong tòa nhà đang xây dở. Lúc đó, đang ở trong nhà nữ điệp viên Tám Thảo thấy đồng đội của mình bị vây hãm, Nguyễn Văn Tàu đã quyết định vi phạm kỷ luật công tác, bắn chi viện đánh lạc hướng kẻ thù, tạo thời cơ cho đồng đội rút lui. Phát hiện vị trí súng nổ, cảnh sát kéo tới lục soát nhà cô Tám Thảo. Ông đứng núp sau mấy tấm mành vải của gia đình, súng sẵn trong tay. Nhưng với sự nhanh trí của nữ đồng đội thông minh và gan dạ, ông đã thoát khỏi sự phát hiện của giặc chỉ trong gang tấc. Ông khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là chủ trương đúng đắn & táo bạo của Đảng dựa trên cơ sở lòng dân. Chiến tranh phải chấp nhận hy sinh. Những tổn thất của ta là không nhỏ mà mỗi sự hy sinh của đồng đội đều là một phần ký ức quan trọng của cuộc đời ông. Giọng ông nghẹn ngào khi nhắc tới đồng đội: “Không có những đồng đội trung kiên, tôi đã chết không biết bao lần”.

Sau chiến tranh, ông đã dành thời gian viết sách về tình báo với các nhân vật rất thật; viết để minh họa các sự kiện lịch sử chân thật và dựng hình ảnh của chiến sĩ và nhân dân trong chiến trường Nam bộ; những nhà tư sản Sài Gòn một lòng theo cách mạng; về những đồng đội của ông đã ngã xuống để Cụm Tình báo H.63 không bị lộ, để Phạm Xuân Ẩn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành một “điệp viên hoàn hảo” và Nguyễn Văn Tàu trở thành anh hùng của ngành tình báo. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của các thành viên CLB NYS vì sao trong hơn 40 qua, Đại tá Tình báo Tư Cang dành thời gian viết sách, trở thành nhà văn, cầm bút cũng như cầm súng.

Dưới góc độ của nhà nghiên cứu lịch sử, Tiến sĩ Lê Vinh Quốc đã bày tỏ sự vinh hạnh được giao lưu với nhà văn, nhà tình báo Nguyễn Văn Tàu. Theo ông, những tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Tàu có giá trị hiện thực rất lớn, thấm đẫm phẩm chất chân - thiện - mỹ khi tái hiện những sự kiện chân thật của chặng đường đã qua của lịch sử dân tộc. Thay mặt giới sử học, ông bày tỏ lòng biết ơn chân thành với các tác phẩm của nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Văn Tàu.

 Theo yêu cầu của TS Lê Vinh Quốc, nhà cựu tình báo Tư Cang đã kể lại chi tiết chuyện ông rượt đuổi không sợ nguy hiểm khi tay không vào gặp để thuyết phục Mười Lắng - người đã dẫn theo 29 chiến sĩ đào ngũ rời bỏ căn cứ Trung ương Cục miền Nam để ra chiêu hồi phía VNCH. Nhờ tài trí dũng cảm và tấm lòng khoan dung độ lượng của mình, Tư Cang đã thành công. Tiếp theo, về vụ chiêu hồi của thượng tá Tám Hà trong Tết Mậu Thân 1968, đại tá Nguyễn Văn Tàu cho biết rằng chính ông đã sao chụp được biên bản cung khai của viên sĩ quan đầu hàng này (vốn mang quân hàm trung tá nhưng được đối phương nâng lên thượng tá), để chuyển cho Bộ Chỉ huy Miền kịp thời đối phó với tình huống phát sinh từ vụ đó. Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải góp vui buổi giao lưu với những câu thơ hay. Nhà giáo Nguyễn Xuân Tư đã đọc bài thơ tự biên tặng nhà văn-chiến sĩ tình báoNguyễn Văn Tàu:

“Ông giỏi võ, lại giỏi văn/Ông là người Việt nhưng tên là Tàu

Ông tròn chín chục xuân xanh/Chúc ông khang thọ trên trăm tuổi đời

Gia đình hạnh phúc vui tươi/Vui con, vui cháu, vui đời tự do.”

Tiếp đó, nhà giáo Xuân Tư ra câu đối thách mọi người đối được để kỷ niệm cuộc tọa đàm với đại tá anh hùng Nguyễn Văn Tàu:

“Ông tên Tàu, là người Việt

Trước đánh Pháp, rồi trừ Nhật

Sau diệt Mĩ, lại đả Tàu

Rồi đánh bại quân Khơ me đỏ

Đi đánh giặc như đi tàu du lịch”

Kết thúc buổi tọa đàm, thay mặt CLB NYS, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã tặng hoa chúc mừng nhà văn-đại tá tình báo anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu nhân dịp ông bước vào tuổi đại thọ 90; tiếp đó ông thông báo chủ đề buổi sinh hoạt ngày 08/4/2018 của CLBNYS, đó là:“Văn học tiêu biểu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ”./.

 2018-03-16-tv-tu-nhan-01

Nhà văn-đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang, người mặc quân phục) tại buổi Tọa đàm

2018-03-16--tv-tu-nhan-02

 Các bạn đọc của “Câu Lạc bộ Người yêu sách” tham dự buổi Tọa đàm

 NGỌC DUNG

 

TIN MỚI

DANH MỤC THƯ MỤC ĐỊA CHÍ

danh-muc-2022-1

ĐỐI TÁC

nlv

2018-idt-ads

2023-03-25-quang-cao-slibvn

2021-dl-ads-1

saomai-logo-final