Phương hướng hoạt động Hội Thư viện Việt Nam Khóa IV, (nhiệm kỳ 2022 – 2027) In

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THƯ VIỆN VIỆT NAM, NHIỆM KỲ 2022 – 2027

Nhiệm kỳ 5 năm tới (2022-2027) của Hội Thư viện Việt Nam có nhiều thời cơ-thuận lợi cơ bản, song cũng có những khó khăn thách thức không nhỏ: đó là xu thế hoạt động thông tin-thư viện trong kỷ nguyên số, xu thế của cách mạng Công nghiệp 4.0 đã hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội Việt Nam (trong đó có ảnh hưởng tới thư viện và văn hóa đọc). Vì vậy, để có thể thực sự trở thành một tổ chức, một lực lượng xã hội đông đảo và rộng rãi giúp Đảng, Nhà nước huy động các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia công tác xây dựng và phát triển thư viện theo đúng tôn chỉ, mục đích đã xác định trong Điều lệ Hội; đồng thời căn cứ dự báo tình hình chính trị, kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2030 và phướng hướng công tác chung của Hội Thư viện Việt Nam nhiệm kỳ IV (2022 - 2027) là “Tăng cường tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ thư viện ở Việt Nam gia nhập Hội. Tập trung củng cố và phát triển Chi hội, Liên Chi hội thư viện cả nước; Đổi mới hoạt động, nâng cao tính hấp dẫn, thiết thực và mang màu sắc hoạt động Hội. Tăng cường các hoạt động bảo vệ, chăm lo quyền lợi tinh thần và vật chất của cán bộ/hội viên thư viện. Phối hợp với các cơ quan quản lý thư viện và chỉ đạo chuyên môn, tổ chức nhiều hoạt động, động viên hội viên cả nước thực hiện xuất sắc mục tiêu xây dựng ngành thư viện Việt Nam ngày càng vững mạnh. Tích cực tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về thư viện, trước hết ở khu vực ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế của Hội Thư viện Việt Nam với các tổ chức thư viện khu vực Châu Á và thế giới”.

Chương trình Hoạt động của Hội Thư viện Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022-2027, gồm những nội dung chính như sau:

1. Tổ chức rộng rãi hoạt động tuyên truyền về Hội Thư viện, làm cho các tổ chức Hội và Hội viên hiểu rõ về vai trò, vị trí của Hội Thư viện Việt Nam trong nước và trên thế giới. Năng động, sáng tạo trong các hoạt động mang nội dung và màu sắc của Hội.

- Giải pháp: Tăng cường trao đổi về Hội Thư viện Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước trên thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên trang web của Hội Thư viện Việt Nam. Đ/c Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký chỉ đạo.

2. Tập trung phát triển các Chi hội, Liên chi hội thư viện cả nước:

- Mục tiêu: Tăng cường việc thành lập Chi hội thư viện ở các tỉnh, thành.

- Giải pháp:

+ Tranh thủ sự ủng hộ của Bộ VHTTDL; các sở VHTTDL tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Các ủy viên BCH Hội ở hệ thống thư viện công cộng có nhiệm vụ gương mẫu, vận động thành lập Chi hội ở tỉnh mình và các tỉnh phụ trách.

+ Thành lập Chi hội “Những người bạn thư viện” ở khu vực phía Nam và Câu Lạc bộ Diễn giả ở TP Hồ Chí Minh (phục vụ cho các Thư viện tỉnh/TP phía Nam). Đ/c Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam chịu trách nhiệm thực hiện.

- Thành lập Liên Chi hội Thư viện trong lực lượng vũ trang (quân đội). Đ/c Phó Chủ tịch Hội, phụ trách Thư viện Quân đội chịu trách thực hiện.

- Thành lập Liên Chi hội Thư viện trong lực lượng Công an nhân dân. Đ/c ủy viên Ban Thường vụ, phụ trách Khối thư viện Công an chịu trách nhiệm thực hiện.

- Thành lập Chi hội thư viện các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện. Đ/c Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách Khối cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện.

3. Phát huy vai trò Hội trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ:

- Trước hết Hội Thư viện Việt Nam luôn luôn/cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình: Đó là tư vấn, phản biện cơ chế - chính sách ngành thư viện ở Việt Nam. Đây là chức năng, nhiệm vụ chính của tổ chức xã hội - nghề nghiệp thư viện ở nước ta. Vì thế, nhiệm kỳ 5 năm tới, Hội Thư viện cần chỉ đạo các Chi hội-Liên chi Hội thư viện cả nước tích cực tham gia có hiệu quả vào công tác này, góp phần hoàn thiện cơ chế - chính sách ngành thư viện Việt Nam. Đồng thời Hội Thư viện cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ở TW và địa phương, tiếp tục triển khai Luật Thư viện và các văn bản pháp quy về thư viện và văn hóa đọc đi vào cuộc sống.

- Hội cần quan tâm một thử thách lớn đối với ngành thư viện hiện nay: đó là thực hiện Chuyển đổ số theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đến năm 2025, định hướng đến năm 2030); đây sẽ là nền tảng quan trọng để các thư viện Việt Nam xây dựng thư viện số trong tương lai, phụ vụ hiệu quả CMCN 4.0 ở nước ta.

- Đối với hệ thống thư viện công cộng: các Liên chi hội/Liên hiệp Thư viện khu vực trong cả nước cần dành sự quan tâm, tìm biện pháp thu hút đông bạn đọc và nhân dân đến các thư viện; Kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, phục vụ tốt chương trình “Học tập suốt đời” và khởi nghiệp kiến quốc.

- Đối với hệ thống chuyên ngành và thư viện đại học:

+ Các Liên chi hội thư viện tập trung giải pháp phục vụ hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, phù hợp với sự thay đổi nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy trong giáo dục phổ thông và giáo dục Đại học ở nước ta.

+ Đối với các hệ thống thư viện chuyên ngành: các Liên chi hội thư viện cần tìm giải pháp, nhằm tăng cường hiệu quả phục vụ nghiên cứu khoa học. Hàng năm cần tổng kết hiệu quả phục vụ bạn đọc.

* Các Phó Chủ tịch phụ trách các Khối TVCC và Thư viện đại học chỉ đạo thực hiện.

4. Nâng cao vị thế Hội trong xây dựng ngành thư viện Việt Nam:

+ Hằng năm tổ chức một số Hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên đề về tổ chức của Hội như vấn đề đảm bảo quyền lợi cho cán bộ thư viện và công tác nghiệp vụ thư viện.

+ Các Chi hội và hội viên thư viện cả nước tham gia thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử nghề thư viện (do Bộ VHTTDLban hành). Các đ/c ủy viên Ban Chấp hành Hội tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Hội Thư viện Việt Nam xây dựng và đổi mới chương trình công tác năm/công tác toàn khóa Hội thư viện VN.

+ Thống nhất quy định về Hội phí và xúc tiến việc thu hội phí tập thể.

* Đ/c Chủ tịch Hội và Chánh Văn phòng Hội chỉ đạo thực hiện.

5. Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).

- Các tổ chức Hội cần làm tốt việc tuyên truyền sâu rộng trong bạn đọc và nhân dân về ý nghĩa Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4); cổ vũ đông đảo các chi hội, liên chi hội tích cực tham gia; sáng tạo hoạt động mới, hấp dẫn, ấn tượng và tôn vinh ngành TV.

* Giải pháp:

- Đề nghị Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT và Bộ VHTTDL có văn bản phối hợp chỉ đạo đối với tất cả các hệ thống thư viện cả nước, coi đây là hoạt động chủ yếu/quan trọng của ngành thư viện ở nước ta. Hàng năm có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động tiêu biểu này.

- Hội Thư viện Việt Nam chịu trách nhiệm tham gia và phối hợp xây dựng kịch bản cho Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Hội Thư viện sẽ giúp đỡ các Thư viện tỉnh/thành phố có nhu cầu mời diễn giả tuyên truyền, giới thiệu sách, tọa đàm trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

* Thường trực Hội chỉ đạo chung. Các đ/c ủy viên Ban Thường vụ/BCH Hội phụ trách khối thư viện công cộng và Khối Thư viện trường học phổ thông chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tham gia, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

6. Tham gia nghiên cứu khoa học về thư viện:

- Các Chi hội/Liên chi Hội thư viện trong cả nước tích cực tham gia nghiên cứu khoa học về thư viện/tham gia các đề tài về thư viện.

- Hội Thư viện sẽ tham gia 01 đề tài/nhiệm vụ tuyên truyền-phổ biến kiến thức về thư viện phục vụ CMCN 4.0.

- Các Chi hội/Liên chi Hội thư viện tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có các chuẩn nghiệp vụ về thông tin-thư viện theo chuẩn quốc tế.

* Các Ban Chuyên môn thư viện của Hội thực hiện công tác này.

7. Quảng bá và chuẩn bị tham gia Đại hội CONSAL, Đại hội IFLA nhiệm kỳ tới.

- Hội Thư viện Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thư viện, nhằm tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và giao lưu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đặc biệt Thời gian 5 năm tới Hội Thư viện cần vận động nhiều hội viên hội thư viện VN đăng ký tham luận/tham gia các kỳ Đại hội Consal và Đại hội IFLA sắp tới;

- Dự kiến ký kết Chương trình hợp tác-giao lưu giữa Hội Thư viện Việt Nam và Hội Thư viện CHDC nhân dân Lào.

* Đ/c Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội và Trưởng ban Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm thực hiện.

8. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nội vụ, Bộ VHTTDL) và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam quan tâm hơn về chỉ đạo, hỗ trợ Hội Thư viện VN trong các hoạt động, đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hội thư viện phát huy vị trí, vai trò của tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong công tác.

* Đ/c Trưởng Ban Tổ chức Hội chịu trách nhiệm thực hiện.

Thường trực Hội Thư viện Việt Nam yêu cầu các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Thư viện Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, gương mẫu, sáng tạo, để hoàn thành tốt Chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027 của Hội - trong đó lưu ý đi đầu thực hiện ngay tại đơn vị mình các chủ trương, nhiệm vụ và kế hoạch công tác mà Ban Thường vụ Hội đã thống nhất trong nhiệm kỳ 2022-2027./.